Hướng dẫn lái xe ôtô số tự động
Có rất nhiều người quan niệm rằng: sử dụng xe ôtô số tự động tốn nhiên liệu, dễ gây tai nạn do dễ chuyển số nhầm hoặc đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh. Trên thực tế, nếu biết cách sử dụng đúng, lái xe oto số tự động vừa nhàn, vừa không tốn nhiên liệu và vẫn đảm bảo an toàn.
Xe ôtô hộp số tự động được viết tắt là AT (Automatic Transmission), giúp lái xe khá thoải mái trong vận hành xe, đặc biệt là trong khu đô thị đông đúc nhờ bỏ nhiều thao tác sang số của tay phải và bỏ hoàn toàn thao tác đạp côn của chân trái cũng như sự phối hợp nhịp nhàng "côn ra - ga vào" với chân ga. Tuy nhiên, cần phải hiểu số tự động không có nghĩa là không có số nào, mà loại trừ hộp số AT vô cấp thì hộp số AT thông thường vẫn có nhiều cấp số và được hiển thị trên màn hình trung tâm.
Ngoài việc loại bỏ hàng loạt thao tác vận hành, xe số tự động còn có ưu điểm như khó chết máy, dễ dàng khởi động giữa dốc, tăng ga không bị giật...Vì thế, tỷ lệ người sử dụng xe số tự động ngày càng cao và trở thành xu hướng hiện đại, cả ở Việt Nam và trên thế giới, dù giá xe thường cao hơn một chút so với xe số sàn.
Tuy vậy, cũng khá nhiều vụ tai nạn thương tâm tại Việt Nam xảy ra trong thời gian qua do người lái xe số tự động không vận hành đúng cách, thuần thục và bị mất bình tĩnh.
Dưới đây là một số hướng dẫn lái xe oto số tự động vừa an toàn, vừa tiết kiệm nhiên liệu được các chuyên gia ôtô khuyến cáo:
1- Lái xe tạo đà, số cao vòng tua thấp: Chúng ta cần lợi dụng quán tính của xe để không nhấn ga thừa ở những nút giao thông, đèn đỏ rồi lại phanh. Bạn cũng đừng nghĩ rằng chỉ có xe số sàn mới áp dụng quy luật số cao, vòng tua thấp bởi như đã nói ở trên, đa số xe tự động thường có các cấp số hiển thị trên màn hình trung tâm.
2- Điểm khác biệt cơ bản về thao tác chân ở xe số tự động là không còn chân côn, chân phải đảm nhận luôn cả chân ga và chân phanh, chân trái chỉ để dưới sàn. Chính thói quen sai lầm dùng chân trái phanh và chân phải ga của một số người chuyển từ lái số sàn sang số tự động là nguyên nhân gây tai nạn.
3- Khi bắt đầu lên xe, cần chỉnh gương, chỉnh ghế ngồi thoải mái, thắt dây an toàn, kiểm tra tay số ở vị trí P chưa trước khi bật công tắc khởi động máy. Ở các xe đời cao, bắt buộc bạn phải nhấn nhẹ chân phanh thì xe mới nổ, trong khi ở xe đời thấp hơn không cần thao tác này.
4- Chuyển tay số về D, OD hoặc R , nhả phanh tay. Lưu ý, cả phanh tay và cần số của xe số tự động có một điểm chung là cần phải nhấn nút mở khoá thường nằm ngay ở đầu tay số, đầu tay phanh. Việc nhả phanh tay hoặc chuyển số cần được thực hiện dứt khoát, tránh lửng lơ. Cũng như xe số sàn khi đang cài số, việc nhấc nhẹ chân phải ra khỏi chân phanh đã khiến xe từ từ chuyển bánh, chưa cần tới nhấn ga. Nếu xe không chuyển động hoặc quá chậm, cần nhấn nhẹ chân ga để tăng tốc.
5- Khi cần giảm tốc: Nhấp nhẹ chân phanh và giữ liên tục như vậy. Trong trường hợp đỗ dừng đèn đỏ, tài xế có thể về số N (số mo) và kéo phanh tay hoặc nhấp phanh chân. Nếu cần dừng xe cố định lâu hơn, nên chuyển tay số về vị trí P, kéo phanh tay để giúp chân phải "thư giãn" đôi chút...Đây cũng là thao tác cần thực hiện khi đỗ xe, trước khi tắt máy và rời chân phải khỏi pedal phanh. Cần lưu ý là một số tài xế trước khi dừng đèn đỏ hoặc trôi dốc thường về số N để xe trôi tự do nhằm giảm mức tiêu hao nhiên liệu. Tuy nhiên, cách này rất nguy hiểm do xe thiếu khả năng giảm tốc bằng số mà chỉ giảm tốc bằng phanh, lái xe khó xử lý trong các trường hợp gặp chướng ngại vật hoặc cần thay đổi hướng di chuyển, chưa kể tới việc phanh sẽ hư hại rất nhanh.
Trong mọi trường hợp, các chuyên gia ôtô khuyên lái xe phải thao tác thuần thục với xe trước khi tham gia giao thông trên đường.
Các ký hiệu cần phải nhớ trên xe số tự động:
P : Park , số đỗ vị trí cần số khi xe đã dừng hẳn. Chỉ ở vị trí này xe mới khởi động hay rút được chìa khóa. Nếu cần số không ở vị trí này, mở cửa xe chuông sẽ cảnh báo khi bạn mở cửa.
R: Reverse, số lùi. Số này cũng chỉ hoạt động khi xe dừng hay chạy không tải để chuẩn bị lùi xe.
N: Neutral , số “mo”. Tại vị trí này động cơ vẫn chạy không tải, nên dùng trong trường hợp kéo, đẩy xe khi bảo dưỡng. Không dùng số N khi đỗ xe và khi chuyển N sang vị trí D và ngược lại thì không cần bấm nút khóa trên cần số.
D: Drive, số tiến, vị trí thường xuyên nhất khi vận hành xe, tùy theo tốc độ mà số tiến sẽ tự động lựa chọn số cao hay thấp sao cho phù hợp nhất.
M: Manual ( + - ) vị trí phía bên phải số D, vận hành như số thường, cho phép xe chuyển sang số 1, 2, 3, 4, thường để tạo đà tăng tốc vượt xe khác hoặc khi xuống dốc, đổ đèo.
OD: Overdrive, số vượt tốc dùng như số D
L: Low, số thấp , dùng cho các trường hợp tải nặng, lên dốc , xuống dốc
S: Sport, số thể thao. Số này cho phép người lái chủ động chuyển số theo ý muốn và tạo cảm giác như đang lái xe số sàn.
Bài Viết Mới Cùng chuyên mục
Cách học lái xe oto để có thể cầm lái oto vững vàng
Hướng dẫn quy trình thi bằng lái xe A2
10 điều cơ bản cần biết khi lái xe oto.
Hướng dẫn lái xe máy an toàn trong đêm
Học lái xe oto cần phải học ”kỹ thuật cầm vô-lăng cơ bản”
Kỹ thuật lái xe oto số sàn an toàn
Những chú ý khi lái xe oto, xe máy trong trời nắng nóng
Thi lý thuyết lái xe A1
Hướng dẫn chi tiết học và thi sát hạch lái xe hạng a1
LIÊN HỆ - TƯ VẤN HỌC LÁI XE Ô TÔ
Dạy lái xe T&T liên tục tuyển sinh học lái xe các hạng. Thi nhanh nhất toàn quốc với chi phí trọn gói rẻ nhất, Uy tín, chất lượng, Đỗ hàng đầu toàn quốc
Dạy lái xe T&T
Địa chỉ chính: Tầng 3, Tòa nhà C26 - 89A Đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Cơ sở: KĐT Tân Tây Đô, Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội
Cơ sở: HH2A Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội
Cơ sở: Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội
Cơ sở: Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội
Cơ sở: Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội
Hotline: 0978 85 85 65 - 093 464 5779 - 0868 277 275 - 037 637 7575
Email: daotaolaixe.nt@gmail.com
Học lái xe ô tô – xe máy tại Hà Nội